Thuốc nào dễ gây rối loạn tiền đình?
SKĐS - Tôi là phụ nữ 45 tuổi. Tôi hay bị chóng mặt, đau đầu do rối loạn tiền đình. Tôi nghe nói việc dùng một số thuốc cũng có thể gây rối loạn tiền đình.
Tôi là phụ nữ 45 tuổi. Tôi hay bị chóng mặt, đau đầu do rối loạn tiền đình. Tôi nghe nói việc dùng một số thuốc cũng có thể gây rối loạn tiền đình. Đó là những thuốc nào? Mong quý báo chỉ dẫn. Tôi xin cảm ơn.
Thanh Trà (Hà Nội)
Rối loạn tiền đình (RLTĐ) biểu hiện bằng những cơn chóng mặt, do tổn thương hệ thần kinh của các vùng tai, tim mạch, mắt, tâm thần. RLTĐ phát triển nhiều trong nhóm bệnh nhân trung niên, nhất là phụ nữ. Bệnh nhân RLTĐ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc, ảnh hưởng tới chất lượng sống. Đặc biệt, mức nguy hại của RLTĐ là những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như: thiếu máu não hoặc tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ cao và dễ dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây hội chứng RLTĐ khá đa dạng, là tập hợp của nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó qua nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy, một số thuốc cũng cho tác dụng phụ có thể tăng nguy cơ cho chứng RLTĐ. Vì vậy, bệnh nhân bị RLTĐ cũng nên tránh các loại thuốc làm ảnh hưởng tới tai và làm tăng các triệu chứng của bệnh RLTĐ như:
Thuốc kháng acid: có nhiệm vụ thực hiện một phản ứng trung hòa hydrochloric acid (HCl) tiết ra trong dịch tiêu hóa ở dạ dày. Các thuốc kháng acid thường chứa hợp chất magnesium hoặc aluminium có tác dụng kéo dài hoặc sodium bicarbonate có tác dụng nhanh và ngắn, một số loại có chứa alginate, dimethicon... Các loại thuốc này có thể gây chóng mặt, phản ứng chậm chạp, mất thăng bằng và khả năng phối hợp vận động.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): đây là một trong những loại thuốc được sử dụng khá phổ biến trong các bệnh cơ - xương - khớp như viêm khớp, bệnh gút, thoái hoá khớp, viêm cơ... Một số thuốc thường dùng như: ibuprofen, indometacin, naproxen, piroxicam, diclofenac, ketoprofen hay parecoxib, celecoxib, rofecoxib... Một trong các tác dụng phụ của NSAIDs là gây choáng váng, chóng mặt...
Aspirin (acetylsalicylic acid) có thể gây ù tai cho một số trường hợp, nên làm nặng hơn các triệu chứng của RLTĐ.
Trên đây chỉ là một vài loại thuốc thông dụng và điển hình trong việc gia tăng nguy cơ và làm nặng thêm triệu chứng của RLTĐ. Ngoài ra còn nhiều loại thuốc khác cũng có những tác dụng phụ gây ra cơn chóng mặt ù tai cho người sử dụng, yếu tố này không tốt cho bệnh nhân RLTĐ, hoặc đã từng bị RLTĐ. Điều quan trọng là bệnh nhân RLTĐ khi dùng bất cứ loại thuốc gì cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết các tác dụng phụ có thể gặp và khi thấy gia tăng các biểu hiện của chứng RLTĐ cần ngừng thuốc ngay và xin ý kiến của thầy thuốc.
Ngoài ra, người bệnh RLTĐ cũng nên hạn chế hút thuốc lá. Do chất nicotine trong thuốc lá có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh RLTĐ, do làm giảm cung cấp máu cho tai trong bằng cách thắt mạch máu, đồng thời cũng gây ra một sự gia tăng ngắn hạn huyết áp - việc này là yếu tố cộng hưởng nguy hại cho bệnh nhân RLTĐ.